Những điều cần biết về bạc hà và tinh dầu bạc hà

Bạc hà thuộc chi Mentha L., là một chi rất đa dạng và phức tạp. Một số loài sau đây được trồng để khai thác tinh dầu:

  1. Mentha arvensis – bạc hà á, bạc hà nam, húng cay, cho tinh dầu với tên thương phẩm là “Cornmint oil“, thành phần chính là menthol (> 70 %)
  2. Mentha piperita – bạc hà Âu, cho tinh dầu với tên thương phẩm là “peppermint oil“, thành phần chính là menthol (từ 50 % đến 68 %)
  3. Mentha citrata – bạc hà chanh, cho tinh dầu với tên thương phẩm là “Bergamot mint oil“, thành phần chính là linalyl acetat (từ 33 % đến 74 %) và linalol (từ 25 % đến 52 %)
  4. Mentha pulegium: bạc hà hăng cho tinh dầu với tên thương phẩm là “pennyroyal oil“, thành phần chính là pulegon (80 %)
  5. Mentha spicata – M. viridis, syn M. cordifolia: lục bạc hà, bạc hà bông, cho tinh dầu với tên thương phẩm là “native spearmint oil“, thành phần chính là carvon (> 50 %)
  6. Mentha cardiaca Gérard ex Baker, Bạc hà bông, cho tinh dầu với tên thương phẩm là Scotch Spearmint, thành phần chính của tinh dầu là carvon (>50%).

Thông dụng nhất là 2 loại bạc hà Á – Mentha arvensis và bạc hà Âu – Mentha piperita, tinh dầu cũng chủ yếu từ 2 loại bạc hà này.

Về bạc hà Á

  • Tên khoa học: Mentha arvensis L.
  • Họ Hoa môi – Lamiaceae

Đặc điểm thực vật và phân bố:

Cây thảo, sống lâu năm. Thân mềm, hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30-40cm, có khi hơn, mầu xanh lục hoặc tím tía. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng. Cuống ngắn. Mép lá khía răng đều. Hoa nhỏ, mầu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa. Lá bắc nhỏ, hình dùi. Đài hình chuông có 5 răng đều nhau. Tràng có ống ngắn. Phiến tràng chia làm 4 phần gần bằng nhau, có 1 vòng lông ở phía trong. 4 nhụy bằng nhau, chi nhụy nhẵn. Quả bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu.

Thành phân hoá học chính của tinh dầu là l – menthol, thường là trên 70%. Ngoài ra còn có menthol este, menthon, các hợp chất hydrocarbon monoterpenic.

Ở các nước khác trên thế giới, bạc hà Á được trồng chủ yếu là để cất lấy tinh dầu., dùng chiết xuất menthol: Do hàm lượng menthol trong tinh dầu của bạc hà á cao (trên 70%), nên nó được coi là nguồn nguyên liệu thiên nhiên để chiết xuất menthol. Phần tinh dầu còn lại, còn đạt tiêu chuẩn Dược điển, dùng để chế dầu cao xoa bóp.

Về Bạc hà Âu

  • Tên khoa học: Mentha piperita L.
  • Họ hoa môi – Lamiaceae.

Đặc điểm thực vật và phân bố

Khác với bạc hà Á là hoa mọc thành nhiều vòng thành bông ở ngọn cành.
Bạc hà Âu có nguồn gốc ở châu Âu, hiện nay được trồng nhiều ở một số nước châu Âu, ở Bắc Mỹ, Ấn Độ, các nước Bắc Phi. Sản lượng thế giới thống kê vào năm 1990 là 3.700 tấn, trong đó Hoa Kỳ là 3.410 tấn, Nga 200 tấn, Italy 50 tấn, Ấn Độ 40 tấn. Ở Việt Nam có di thực nhưng chưa được phát triển .
Tinh dầu Bạc hà Âu (Oleum Menthae piperitae) có mùi thơm dịu, rất được ưa chuộng. Một số tác giả cho rằng là do Bạc hà Âu có chứa menthofuran. Tinh dầu được dùng như là chất thơm trong kỹ nghệ Dược phẩm, kỹ nghệ sản xuất rượu và bánh kẹo… Tinh dầu bạc hà Âu không dùng để chiết xuất menthol.
Vò lá của cây Bạc hà nam có mùi thơm hắc, vị cay và tê, còn vò lá Bạc hà Âu châu có mùi thơm mát, vị cay tê mát.

Kết quả hình ảnh cho tinh dầu bạc hà

Tác dụng của Menthol

Menthol có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt, giảm đau, kích thích tiêu hoá, chữa hôi miệng, , chữa các bệnh cảm sốt, giúp long đờm, thông mũi, mát họng, giảm căng thẳng và mất ngủ, tốt cho răng và giúp lưu thông máu làm tinh thần thông thoáng và sảng khoái, tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau, làm đẹp da, se da, giảm các vết sẹo và các vết thâm mụn.
Nhu cầu menthol trên thế giới vào khoảng 5.600tấn/năm, trong đó 3.600 tấn là menthol tự nhiên, còn lại là nguồn tổng hợp. Menthol được dùng trong nhiều ngành kỹ nghệ: Kỹ nghệ dược phẩm (1.550 tấn/năm), kỹ nghệ bánh kẹo (570 tấn), kỹ nghệ sản xuất thuốc lá (1.350 tấn), sản xuất thuốc đánh răng, và các chế phẩm khác cho vệ sinh răng miệng (1.800 tấn), sản phẩm cạo râu (250 tấn) v.v.

Một số lưu ý quan trọng khi dùng bạc hà và tinh dầu bạc hà

  • Do đặc tính bốc hơi nhanh, bạc hà gây cảm giác mát và tê tại chỗ, rất hiệu quả với các trường hợp đau dây thần kinh.  Đối với những người bị dị ứng với thành phần có trong bạc hà như salicylat, menthol thì không nên sử dụng.
  • Không dùng bạc hà hay tinh dầu bạc hà nguyên chất nhiều hơn 3 – 4 lần trong ngày để giảm đau; không dùng thường xuyên mà phải ngừng ngay khi cơn đau đã chấm dứt; không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở, chỉ bôi ở điểm đau, vùng đau.
  • Tinh dầu bạc hà và menthol còn làm tăng bài tiết mồ hôi, khiến thân nhiệt hạ thấp, nên không dùng với người bị lở ngứa, tự ra mồ hôi, sốt do âm hư, bệnh nặng mới khỏi, người suy nhược, táo bón, huyết áp cao, trẻ dưới một tuổi… Cần lưu ý phụ nữ cho con bú không nên dùng nhiều, vì nó giảm sự tiết sữa.
  • Ức chế hô hấp, tuần hoàn: đối với trẻ em ít tuổi, tinh dầu Bạc hà và Menthol bôi vào mũi hoặc cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngưng đập hoàn toàn.
  • Người ta đã nhận xét thấy 1 số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu Menthol 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi loại thuốc mỡ có Menthol. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu Bạc hà hoặc dầu cù là cho trẻ nhỏ ít tuổi, nhất là trẻ mới đẻ
  • Tác động đến nhiệt độ cơ thể: Bạc hà, tinh dầu Bạc hà hoặc Menthol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết của tuyến mồ hôi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp
  • Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn cản sự lên men bình thường
  • Bạc hà, vị cay, năng phát tán; tính mát, năng thanh lợi, dùng tiêu phong, tán nhiệt. Vì vậy nó là thuốc chủ yếu chữa đầu đau, đầu phong, các bệnh về mắt, họng, miệng, răng, trẻ nhỏ sốt cao co giật cũng như lao hạch, lở ngứa
  • Khi có mồ hôi, dùng Bạc hà nên sao để bỏ vị cay, làm giảm bớt sức đi ra biểu, tránh mồ hôi ra quá nhiều. Bạc hà ngạnh (cành) thiên về lý khí và thông kinh lạc. Bạc hà thán (sao thành than) đi vào phần huyết, phần âm để thanh phong nhiệt và hư nhiệt ở phần huyết và phần âm. Bạc hà long não còn gọi là Kê tô, sức tán nhiệt, giải độc mạnh hơn Bạc hà

Một số hình ảnh cây bạc hà và tinh dầu bạc hà

Kết quả hình ảnh cho tinh dầu bạc hà

Kết quả hình ảnh cho tinh dầu bạc hà

Bài viết được tổng hợp và tham khảo từ nhiều nguồn